Phụ lục D

Các quy định bảo vệ chống khói cho nhà và công trình

D.1 Việc bảo vệ chống khói cho nhà và công trình để đảm bảo an toàn cho người thoát khỏi ngôi nhà khi xảy ra cháy. Hệ thống chống khói phải độc lập cho từng khoang cháy. Việc bảo vệ chống khói cho nhà và công trình bao gồm hút xả khói (bao gồm cả các sản phẩm cháy) và cấp không khí vào.

D.2 Việc hút khói phải được thực hiện từ các khu vực sau:

a) Từ hành lang và sảnh của nhà ở, nhà công cộng, nhà hành chính – sinh hoạt và nhà hỗn hợp có chiều cao lớn hơn 28 m. Chiều cao của nhà được xác định theo 1.4.8.

b) Từ các hành lang của tầng hầm, tầng nửa hầm không có thông gió tự nhiên của các nhà ở, nhà công cộng, nhà hành chính – sinh hoạt, nhà sản xuất và nhà hỗn hợp, mà hành lang này dẫn vào các khu vực thường xuyên có người.

c) Từ các hành lang có chiều dài lớn hơn 15 m, không có thông gió tự nhiên của các nhà sản xuất, nhà kho hạng A, B và C từ 2 tầng trở lên, cũng như của các công trình công cộng và nhà hỗn hợp từ 6 tầng trở lên;

d) Từ hành lang và sảnh chung của nhà hỗn hợp có buồng thang bộ thoát nạn không nhiễm khói.

e) Từ các sảnh thông tầng của nhà có chiều cao lớn hơn 28 m, cũng như từ các sảnh thông tầng có chiều cao lớn hơn 15 m và từ các hành lang có cửa đi hoặc ban công mở thông với không gian của sảnh thông tầng trên.

f) Từ các gian phòng sản xuất và kho có số chỗ làm việc ổn định (đối với gian phòng lưu trữ dạng kệ thì không phụ thuộc vào số chỗ làm việc ổn định) hạng nguy hiểm cháy A, B, C trong nhà bậc chịu lửa I đến IV, hoặc hạng nguy hiểm cháy D, E trong nhà bậc chịu lửa IV, V.

g) Từ các khu vực tiếp cận vào buồng thang bộ thoát nạn không nhiễm khói, hoặc từ các gian phòng không có thông gió tự nhiên sau:

– diện tích từ 50 m2 trở lên, thường xuyên hoặc nhất thời tập trung từ 50 người trở lên, tính theo Bảng G.9 (Phụ lục G), ngoại trừ trường hợp khẩn cấp, không tính diện tích chiếm chỗ của các thiết bị, vật dụng.

– các gian thương mại, trưng bày sản phẩm hàng hóa.

– các phòng đọc và lưu trữ sách của thư viện, các gian triển lãm, bảo tàng có diện tích từ 50 m2 trở lên có chỗ làm việc ổn định, dùng để lưu trữ hoặc sử dụng các chất và vật liệu cháy.

– phòng thay đồ, gửi đồ diện tích từ 200 m2 trở lên.

h) Các gian phòng lưu giữ ô-tô, xe máy của các gara ô-tô, xe máy ngầm và gara ô-tô, xe máy kín trên mặt đất được bố trí riêng hoặc xây trong hoặc xây liền kề với các nhà có chức năng khác (với việc chuyển xếp ô-tô có hoặc không có lái xe tham gia) và cả các đường dốc được cách ly của các gara ô-tô này.

Cho phép thiết kế hút khói qua hành lang bên cạnh của gian phòng có diện tích đến 200 m2 hạng nguy hiểm cháy C1, C2, C3 cũng như công năng khác lưu trữ hoặc sử dụng chất và vật liệu cháy.

Đối với các gian phòng thương mại và văn phòng diện tích không lớn hơn 800 m2 khi khoảng cách từ điểm xa nhất của gian phòng đến lối ra thoát nạn gần nhất không lớn hơn 25 m thì cho phép hút khói qua các hành lang, sảnh, thông tầng bên cạnh.

CHÚ THÍCH 1: Khu vực không có thông gió tự nhiên khi cháy là khu vực không có ô cửa mở trên cấu trúc xây dựng ngoài (tường ngoài) hoặc khu vực có ô cửa mở nhưng diện tích không đủ để thoát sản phẩm cháy.

CHÚ THÍCH 2: Để thông gió tự nhiên khi cháy cho hành lang thì trên mỗi 30 m chiều dài hành lang phải có các ô cửa mở trên cấu trúc bên ngoài được bố trí ở độ cao không nhỏ hơn 2,2 m từ mặt sàn đến mép dưới của ô cửa và tổng diện tích không nhỏ hơn 2,5 % diện tích sàn hành lang.

CHÚ THÍCH 3: Để thông gió tự nhiên khi cháy cho gian phòng cần phải có các ô cửa mở trên cấu trúc bên ngoài ở độ cao không nhỏ hơn 2,2 m từ mặt sàn đến mép dưới của ô cửa và với tổng diện tích không nhỏ hơn 2,5 % diện tích sàn của gian phòng. Nếu chỉ có cấu trúc bên ngoài nằm ở 1 phía của gian phòng thì khoảng cách từ cấu trúc bên ngoài đến tường đối diện với các ô cửa mở không được lớn hơn 20 m. Nếu các ô cửa mở nằm ở hai cấu trúc bên ngoài đối diện nhau thì khoảng cách giữa hai cấu trúc đó không lớn hơn 40 m.

D.3 Các yêu cầu tại D.2 không cần áp dụng đối với:

a) Các gian có diện tích đến 200 m2, được trang bị hệ thống chữa cháy tự động bằng bọt hoặc nước (trừ gian phòng hạng nguy hiểm cháy A, B và các gara đỗ xe kín được đỗ xe nhờ lái xe).

b) Các gian phòng được trang bị chữa cháy tự động bằng khí , bột, aerosol (trừ các gara đỗ xe kín được đỗ xe nhờ lái xe).

c) Các hành lang và sảnh khi tất cả các gian phòng có cửa đi vào hành lang hoặc sảnh này đã được thoát khói trực tiếp.

d) Các gian phòng diện tích đến 50 m2 nằm trong gian phòng chính đã được thoát khói.

e) Các gian phòng công năng công cộng xây dựng tại tầng 1 (tầng trệt) trong các nhóm F1.2 và F1.3, có kết cấu ngăn cách với khu vực ở và có lối ra thoát nạn trực tiếp ra bên ngoài khi khoảng cách từ điểm xa nhất của gian phòng đến lối ra này không lớn hơn 25 m và diện tích không lớn hơn 800 m2.

D.4 Lưu lượng hút khói phải được xác định bằng tính toán trong những trường hợp sau:

a) Từ các hành lang nêu trong D.2 a), b), c), d) – cho mỗi đoạn chiều dài không lớn hơn 60 m.

b) Từ các gian phòng nêu trong D.2 e), f), g), h) – cho mỗi vùng khói có diện tích không lớn hơn 3000 m2.

CHÚ THÍCH: Việc tính toán lưu lượng hút khói phải theo các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành, có xét đến tải trọng cháy, nhiệt độ, các sản phẩm cháy được tạo ra, các thông số của không khí bên ngoài, đặc trưng hình học và vị trí của các lỗ mở.

D.5 Thiết kế hệ thống hút khói bảo vệ các hành lang phải riêng biệt với hệ thống hút khói để bảo vệ các phòng.

D.6 Cửa thu khói của các giếng hút khói để hút khói từ các hành lang phải đặt ở dưới trần của hành lang và không được thấp hơn dạ cửa (cạnh trên của lỗ cửa đi của lối ra thoát nạn). Cho phép đặt các cửa thu khói trên các ống nhánh dẫn vào giếng hút khói. Chiều dài hành lang cần lắp một cửa thu khói không được lớn hơn 30 m.

D.7 Khi hút khói trực tiếp từ các gian phòng có diện tích lớn hơn 3000 m2 thì phải chia thành các vùng khói có diện tích không lớn hơn 3 000 m2 và phải tính đến khả năng xảy ra cháy ở một trong các vùng đó. Mỗi cửa thu khói chỉ được tính phục vụ cho một diện tích không quá 1000 m2.

D.8 Việc thoát khói trực tiếp cho các gian phòng của nhà 1 tầng phải bao gồm cả thoát khói tự nhiên qua các ống có van, cửa nắp hoặc các ô lấy sáng không bịt kín.

Từ các vùng gần cửa sổ, với chiều rộng tới 15 m, cho phép thoát khói qua các lỗ cửa nhỏ của cửa sổ (cửa chớp) mà cạnh dưới của lỗ cửa ở độ cao không nhỏ hơn 2,2 m tính từ mặt nền.

Trong các nhà nhiều tầng phải có hệ thống thoát khói cưỡng bức dạng cơ khí.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Phụ lục G – QCVN 06:2020/BXD Quy định về khoảng cách đến các lối ra…

Phụ lục H – QCVN 06:2020/BXD Một số quy định về số tầng giới hạn (chiều cao cho phép) và…

Phụ lục C – QCVN 06:2020/BXD Phân hạng nhà và các gian phòng theo tính…

D.9 Các đường ống và thiết bị của hệ thống hút khói phải được làm từ vật liệu không cháy, có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn:

– EI 120 – đối với các đường ống và kênh dẫn khói nằm bên ngoài phạm vi của khoang cháy mà hệ thống đó phục vụ; khi đó tại các vị trí đường ống và kênh khói đi xuyên qua tường, sàn ngăn cháy của khoang cháy không được lắp các van ngăn cháy loại thường mở.

– EI 60 – đối với các đường ống và kênh dẫn khói nằm trong phạm vi của khoang cháy được phục vụ, khi sử dụng để thải khói từ các gara để xe dạng kín.

– EI 45 – đối với đường ống và kênh dẫn khói theo phương đứng nằm trong phạm vi của khoang cháy được phục vụ, khi hút sản phẩm cháy trực tiếp tại khu vực phục vụ đó.

– EI 30 – đối với các trường hợp khác nằm trong phạm vi khoang cháy được phục vụ.

CHÚ THÍCH: Không yêu cầu giới hạn chịu lửa đối với các đường ống nằm trong kênh hoặc giếng kỹ thuật được bao bọc bởi các bộ phận ngăn cháy có giới hạn chịu lửa tương đương theo quy định.

Việc bố trí các quạt hút với giới hạn chịu lửa phù hợp (ví dụ: 0,5 h ở 200 ºC; 0,5 h ở 300 ºC; 1 h ở 300 ºC; 1 h ở 400 ºC; 1 h ở 600 ºC hoặc 1,5 h ở 600 ºC, …) phải được thực hiện căn cứ vào nhiệt độ tính toán của dòng khí chuyển dịch, tương ứng với hạng của gian phòng được phục vụ.

Khói và sản phẩm cháy phải được xả ở bên ngoài nhà và công trình theo một trong hai phương án sau:

– Qua các ô thoáng, giếng thải nằm trên tường ngoài không có ô cửa hoặc cách các ô cửa không nhỏ hơn 5 m theo cả phương ngang và phương đứng và cách mặt đất hơn 2 m. Khoảng cách đến ô cửa có thể giảm xuống nếu bảo đảm vận tốc thải khói không nhỏ hơn 20 m/s.

– Qua các giếng thải khói tách biệt nằm trên mặt đất ở khoảng cách không nhỏ hơn 15 m tính đến tường ngoài có ô cửa và các miệng hút của hệ thống điều hòa không khí , tăng áp của nhà đó cũng như nhà lân cận.

Cho phép xả khói từ các ống hút khói từ tầng hầm và tầng nửa hầm qua các khoang được thông gió. Trong trường hợp này, miệng xả khói phải được đặt cách nền của khoang thông gió ít nhất là 6 m (cách kết cấu của một ngôi nhà ít nhất là 3 m theo chiều đứng và 1 m theo chiều ngang) hoặc đối với thiết bị xả dạng ướt phải cách mặt sàn ít nhất là 3 m. Không lắp các van khói trên những ống này.

D.10 Việc bảo vệ chống khói phải cung cấp không khí từ bên ngoài vào các khu vực sau:

a) Trong giếng thang máy (khi không thể hỗ trợ cấp khí các khoang đệm trong điều kiện có cháy) ở những nhà có buồng thang không nhiễm khói.

b) Trong khoang đệm của thang máy chữa cháy.

c) Trong các buồng thang bộ không nhiễm khói loại N2.

d) Trong các khoang đệm của buồng thang bộ không nhiễm khói loại N3.

e) Trong các khoang đệm trước thang máy (bao gồm cả thang máy) trong các tầng hầm và tầng nửa hầm.

f) Các khoang đệm ở cầu thang bộ loại 2, dẫn đến các gian phòng của tầng 1 của tầng hầm hoặc tầng nửa hầm, trong các phòng có sử dụng hoặc cất giữ các vật chất và vật liệu cháy. Trong các khoang đệm ở các gian xưởng luyện, đúc, cán và các gian gia công nhiệt khác cho phép cấp không khí vào từ các gian thông khí của nhà.

g) Trong các khoang đệm ở lối vào sảnh kín và hành lang từ các tầng hầm và tầng nửa hầm của sảnh kín và hành lang theo D.2 f).

h) Khoang đệm ở lối vào các sảnh thông tầng và khu bán hàng, từ cao trình của các tầng nửa hầm và tầng hầm.

i) Khoang đệm ở các buồng thang bộ loại N2 trong các nhà hỗn hợp, nhà ở cao trên 75 m, nhà chung cư cao trên 50 m.

j) Phần dưới của sảnh thông tầng, các khu bán hàng và các gian phòng khác được bảo vệ bằng hệ thống quạt hút, xả khói.

k) Các khoang đệm ngăn chia gian phòng giữ ô-tô của các gara kín trên mặt đất và của gara ngầm với các gian phòng sử dụng khác.

l) Khoang đệm ngăn chia gian giữ ô-tô với đường dốc kín của các gara ngầm hoặc thiết bị tạo màn không khí bố trí ở trên cửa đi (cổng) từ phía gian phòng giữ ô-tô của gara ngầm.

m) Khoang đệm ở các lối ra từ buồng thang bộ loại N2 đi vào sảnh lớn thông với các tầng trên của nhà hỗn hợp.

n) Khoang đệm (sảnh thang máy) ở lối ra từ thang máy vào các tầng nửa hầm và tầng hầm của nhà hỗn hợp.

D.11 Lưu lượng cấp không khí dùng để bảo vệ chống khói cần được tính toán để đảm bảo áp suất không khí không thấp hơn 20 Pa ở các vị trí sau:

a) Phần dưới của giếng thang máy khi các cửa vào giếng thang máy đều đóng kín ở tất cả các tầng (trừ tầng dưới).

b) Phần dưới của mọi khoang của buồng thang bộ không nhiễm khói loại N2, khi các cửa trên đường thoát nạn từ các hành lang và sảnh trên tầng có cháy vào buồng thang bộ và từ ngôi nhà ra bên ngoài để mở, khi các cửa từ các hành lang và sảnh trên tất cả các tầng còn lại đều đóng kín.

c) Các khoang đệm trên tầng có cháy trong các nhà có buồng thang bộ không nhiễm khói loại N3, khi lối vào hành lang hoặc sảnh tại các tầng hầm, phòng chờ thang máy và các khoang đệm trước thang máy có một cửa mở, còn ở tất cả những tầng khác cửa đều đóng.

Lưu lượng cấp không khí vào khoang đệm trên một cửa mở phải được tính toán trong điều kiện gió thổi qua cửa có tốc độ trung bình (nhưng không thấp hơn 1,3 m/s), và phải tính đến hiệu ứng tổ hợp của việc thổi khói ra ngoài. Lưu lượng cấp không khí vào một khoang đệm khi các cửa đóng phải xét đến lượng khí bị thất thoát do cửa không được kín khí t.

Độ dư của áp suất không khí phải được so sánh với không gian liền kề với gian phòng được bảo vệ.

D.12 Khi tính toán các thông số của hệ thống cấp không khí vào phải kể đến:

a) Độ dư của áp suất không khí không thấp hơn 20 Pa và không lớn hơn 50 Pa – ở các giếng thang máy, ở các buồng thang bộ không nhiễm khói loại N2, ở các khoang đệm của buồng thang bộ không nhiễm khói loại N3 trong các không gian liền kề (hành lang, sảnh).

b) Các cửa hai cánh có diện tích lớn.

c) Các buồng thang máy thông với chiếu tới của thang bộ và khi các cửa thang máy ở tầng đang xét để mở.

D.13 Các đường ống và thiết bị của hệ thống cấp không khí vào phải được làm từ vật liệu không cháy, có giới hạn chịu lửa phù hợp yêu cầu của tiêu chuẩn liên quan hiện hành.

Phụ Lục E – QCVN 06:2020/BXD Yêu Cầu Về Khoảng Cách Phòng Cháy Chống Cháy Giữa Các Nhà Và Công Trình